[Book] Gen Vị Kỷ
Đối với mình đây là một học thuyết tương tự như thuyết tiến hóa của Darwin nhưng ở một góc nhìn sâu hơn. Nếu như đơn vị tiến hóa của thuyết Darwin là mỗi cá thể sinh vật, thì với Dawkins, đó là gen, những mẩu nhỏ DNA.
Tại sao nói gen là vị kỉ? Hiển nhiên cách dùng từ của tác giả là một sự ẩn dụ, bởi vì gen vốn không có ý thức. Bất kỳ đơn vị sinh học nào tồn tại được qua chọn lọc tự nhiên, đơn vị đó sẽ ít nhiều mang tính "vị kỷ", bởi sinh tồn vốn là một cuộc chiến giữa thắng và thua. Và tuy đơn vị đó bị coi là vị kỷ, nhưng nếu xét ở một cấp độ khác, chúng ta có thể thấy được sự vị tha. Chẳng hạn như việc một loài đấu tranh với các loài khác (vị kỷ), nhưng các cá thể trong loài đó sẽ giúp đỡ nhau (vị tha), tất cả đều cùng một mục đích là để loài của mình sinh tồn (vị kỷ).
Khi đi sâu vào góc nhìn của một đơn vị sinh học cực kỳ bé nhỏ là gen, chúng ta bất ngờ thấy được một bức tranh rộng lớn hơn nhiều của việc đấu tranh sinh tồn. Gen không phải là một cá thể riêng lẻ, mà nó là một đặc tính được lưu trữ qua tất cả những mẩu bản sao DNA của tất cả các cơ thể sinh vật chứa nó. Chính vì vậy, có thể coi gen là bất tử. Tất cả các cá thể sinh giống là các vật chủ được điều khiển bởi gen với mục đính quan trọng nhất là duy trì sự tồn tại của gen.
Sự có chung gen giữa các cá thể sinh vật cũng là nguồn gốc sâu xa của lòng vị tha. Rất dễ hiểu, bởi vì các gen sẽ điều khiển các cá thể để chúng có thể quan tâm, giúp đỡ nhau vì sự tồn tại của mình. Đừng cảm thấy hụt hẫng khi bạn nhìn nó ở góc độ này. Những tình cảm vị tha của cha mẹ dành cho con cái vẫn đúng với bản chất tự nhiên của nó, và vẫn rất đẹp.
Có lẽ không ít triết gia, chẳng hạn như Yuval Noah Harari, ông đã thể hiện trong tác phẩm Homo Deus: Lược sử tương lai một cái nhìn hơi bi quan rằng con người có phải chăng chỉ là cỗ máy, hay những động vật hoàn toàn hành động theo bản năng được tự nhiên lập trình sẵn. Trong cuốn sách Gen Vị Kỷ này, tác giả Richard Dawkins khẳng định rằng trí tuệ của con người đã tiến hóa tới mức chúng ta đủ sức kháng cự lại các gen vị kỷ của mình. Có những ví dụ rất rõ ràng mà ai cũng có thể thấy chẳng hạn như việc dùng các biện pháp tránh thai. Nên nhớ rằng sinh sản để duy trì nòi giống chính là bản năng mạnh nhất của các loài sinh vật. Những hành động của con người ko đơn thuần là cuộc chiến giữa cảm xúc và lý trí, mà còn được quyết định rất lớn bởi trí tuệ.
Có một thuật ngữ trên rất phổ biến ngày nay là "meme", một tên gọi của những hình ảnh, video,... hài hước được lan tỏa rất nhanh trên mạng. Có lẽ ít ai ngờ rằng thuật ngữ này được tạo ra cách đây hàng chục năm trước bởi một nhà sinh vật học. Theo định nghĩa của tác giả Dawkins, meme là một đơn vị truyền tải văn hóa, dưới dạng ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh,... Meme có thể lan truyền từ bộ não này sang bộ não khác. Nó cũng trải qua những chọn lọc sinh tồn và có thể trường tồn, rất tương đồng với gen.
Điều này khiến mình nghĩ rằng, có lẽ con người chỉ là một cái xác được điều khiển bởi những gen sinh học và những meme về định kiến, văn hóa, phong tục. Dù muốn thừa nhận hay không, chúng ta vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nó. Cuộc sống của con người vốn ngắn ngủi, nhưng chúng ta là một bộ phận của cái gì đó lớn hơn nhiều.
"Khi chúng ta chết đi, có hai điều chúng ta sẽ để lại phía sau mình: các gen và các meme 😜".
- Richard Dawkins
p/s: tác dụng của việc giới hạn việc sinh sản đến một độ tuổi nhất định giúp làm tăng tuổi thọ của loài người. Bởi vì những gen khiến con người chết sớm sẽ ít có khả năng lan truyền cho các thế hệ sau.
No comments: