[Book] Đô-La Hay Lá Nho (Kinh Tế Học Trần Trụi)
Một cuốn sách có nội dung rất hay giúp mình hiểu thêm nhiều điều. Kinh tế nên là một môn học bắt buộc cho mọi người bởi vì nó ảnh hưởng đến mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống của mỗi người.
Thị trường
Con người (số đông) luôn hành động theo nguyên tắc có lợi cho mình trước. Dù muốn phủ nhận hay không thì đa số sẽ vô thức thấy rằng đồng tiền luôn có sức nặng hơn lương tâm. Bạn có thể day dứt khi bật điều hòa, không phải vì lo ảnh hưởng đến khí hậu mà là do ảnh hưởng đến túi tiền nhiều hơn.
Thị trường nằm ngoài phạm vi luân lý, không phải trái đạo đức, mà chỉ đơn giản là phi luân lý. Không thể lấy các lý do đạo đức để điều khiển thị trường.
Những câu như "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" là một khẩu hiệu đẹp đẽ nhưng là nguyên nhân gây ra mọi vấn đề từ thiếu hiệu quả đến nạn đói tràn lan.
Nói về thuế xăng dầu, phải nói thuế này ở Việt Nam khá cao. Mọi người thường thắc mắc thuế đánh vào xăng dầu rồi không thấy lấy tiền đó làm để làm gì cho môi trường. Mục đích chính của thuế là làm giảm sự tiêu thụ chứ không hẳn phải dùng tiền thuế để khắc phục ô nhiễm (đáng buồn là thực tế thì nó có được làm gì hay không thì không biết được). Vì vậy mục đích đánh thuế xăng dầu chỉ để làm giá xăng tăng lên, thế thì khi giá xăng đã lên rất cao như hiện nay, việc đánh thuế xăng dầu cao sẽ là một điều bất hợp lý.
Tại sao các chính phủ không cấm thuốc lá? Bởi vì thuốc lá có lợi cho nền kinh tế. Người hút thuốc sẽ chết sớm hơn 7 năm so với người không hút. Điều này giúp tiết kiệm tiền lương hưu và các khoản trợ cấp cho người già.
Ở các nước chuyên quyền, chính phủ có thể dồn nguồn lực để đầu tư chạy đua công nghệ hay vũ khí, trong khi người dân phải chịu cuộc sống bần cùng, điển hình như Liên Xô, Triều Tiên và có lẽ một vài nước khác với mức độ khó nhận biết hơn.
Vốn con người
2 nguyên nhân chính của việc đói nghèo ở các nước: một là việc người dân thiếu các kỹ năng (hay, vốn con người), chẳng hạn như Ấn Độ có đến 35% dân mù chữ; hai là họ phải sống trong những điều kiện không phát huy được vốn con người.
Gary Becker: Tổng vốn con người sẽ quyết định sự thịnh vượng của xã hội. Học vấn, đào tạo, kĩ năng, sức khỏe quyết định 75% sự giàu có của nền kinh tế hiện đại. Chúng ta nên gọi nền kinh tế là 'nền kinh tế vốn con người'. Vốn con người là quan trọng nhất tạo ra của cải và sự tăng trưởng.
Những bậc phụ huynh không có đủ vốn con người cần thiết sẽ sinh ra những đứa trẻ thiệt thòi. Theo thời gian, sự khác biệt giữa những đứa trẻ thường được nhân lên gấp bội. Việc vạch ra các chính sách giúp đỡ nhóm người có trình độ thấp thường bất khả thi.
Đói nghèo và tăng dân số
Tại sao các thế hệ ngày nay sinh con ít hơn trước. Theo kinh tế học thì là do phụ nữ ngày nay có vai trò kinh tế cao hơn, dẫn đến việc sinh con sẽ có chi phí lớn (phải nghỉ làm), và những đứa trẻ bây giờ không còn nhiều đóng góp gì vào thu nhập gia đình như ngày xưa.
Một trong những lý luận sai lầm về đói nghèo là các nước nghèo do tốc độ tăng dân số nhanh. Thực tế người nghèo có nhiều con chỉ vì chi phí nuôi trẻ thấp. Các biện pháp kế hoạch hóa gia đình chỉ có hiệu quả với những gia đình không muốn có nhiều con. Cách hiệu quả nhất chính là tạo ra cơ hội kinh tế tốt hơn cho phụ nữ, bắt đầu từ việc giáo dục các bé gái.
Toàn cầu hóa
Ấn Độ là một nước cực kỳ hạn chế quan hệ với thế giới bên ngoài nên có nền kinh tế yếu kém nhất thế giới.
Gandhi, cũng như Lincoln, là một lãnh tụ vĩ đại nhưng lại là một nhà kinh tế tồi. Gandhi đề xuất quốc kỳ Ấn Độ in hình guồng se sợi để thể hiện khả năng tự cung tự cấp về kinh tế.

Trái lại, Trung Quốc dùng kim ngạch xuất khẩu để làm bệ phóng tăng trưởng kinh tế. Cứ sau 10 năm, GDP bình quân đầu người lại tăng gấp đôi.
Vấn đề sử dụng trẻ em trong lao động ở một vài nước cũng bị thế giới lên án. Nhưng thực tế, nó giúp tạo ra của cải và cuộc sống tốt hơn cho trẻ em (dù thật đáng buồn). Bởi vì nếu bị sa thải chúng phải làm những việc còn khổ sở hơn.
KHÔNG có đất nước nào có thể phát triển thành công mà không tiến hành thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu. Những người chống toàn cầu hóa nên đặt tên liên minh của họ là "Liên minh duy trì sự nghèo đói của những người nghèo trên thế giới".
Châm ngôn cũ của người Pháp: "Bất kỳ ai không phải là người theo chủ nghĩa xã hội trước tuổi ba mười đều là người nhẫn tâm; còn bất kỳ ai vẫn còn là một người theo chủ nghĩa xã hội khi đã ngoài ba mươi tuổi đều là người thiếu lý trí".
Tài nguyên thiên nhiên
Những con hổ châu Á là những nước nghèo tài nguyên. Họ đi lên nhờ ngành xuất khẩu đòi hỏi nhiều nhân công và tiến triển sang những ngành sản xuất công nghệ cao.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có có thể là một yếu tố có hại cho phát triển kinh tế.
Một nước dựa vào tài nguyên sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi giá tài nguyên thay đổi. Tài nguyên còn khiến những mặt hàng xuất khẩu khác trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, doanh thu từ tài nguyên có thể đóng góp vào an sinh xã hội làm tăng chi phí sản xuất. Cuối cùng, chính phủ có thể lãng phí những khoản lợi nhuận từ tài nguyên vào những việc không có ích cho đất nước.
Dân chủ
Nạn đói khủng khiếp nhất không phải do mất mùa, mà do hệ thống chính trị không hoàn hảo ngăn cản thị trường tự sửa chữa những khiếm khuyết của nó.
Những nạn đói chưa từng xảy ra ở những nước độc lập nào, những nước có những cuộc bầu cử định kỳ, có những đảng phái đối lập để lên tiếng chỉ trích và cho phép báo chí tự do công bố cũng như thắc mắc về những chính sách của chính phủ.
Trung Quốc là nơi diễn ra nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử; 30 triệu người chết do cuộc vượt rào vĩ đại kéo dài ba năm từ 1958-1961.
Các nước giàu nên đầu tư vào các nước nghèo, không chỉ bởi vì lý do nhân đạo, mà bởi vì các nước nghèo có thể là những nơi bắt đầu cho sự hỗn loạn của thế giới.
---P/S---
Một cuốn sách rất hay nhưng mình không thích câu mở đầu.
Kinh tế học, như Malkiel nhận xét, "khó hơn cả khoa học tự nhiên".
Một cách gây ấn tượng hơi phản tác dụng. Đây là một phép so sánh khập khiễng và không rõ ràng. Nếu muốn rõ hơn có thể nói là "kinh tế học khó để thực nghiệm hơn khoa học tự nhiên". Nếu không có lẽ dự đoán hướng bay của con ruồi cũng khó hơn vật lý lượng tử.
Ngoài ra cách đặt tên sách của dịch giả mặc dù gợi tò mò nhưng đọc xong rồi vẫn không hiểu tại sao lại lấy tên đó (Đô La hay Lá nho).
No comments: