[Book] Lược sử Tôn giáo

 


Richard Holloway sinh năm 1933, từng là giám mục giáo phận Edinburgh, và là giám mục Giáo hội Tân Giáo Scotland (Scottish Episcopal Church) từ năm 1992. Tuy nhiên, đến năm 2000, ông từ chức do không còn niềm tin vào Chúa. Ông trở thành một diễn giả truyền hình và nhà văn nổi tiếng.


Có thể nhiều người sẽ cho rằng tác giả khá khách quan vì đi theo hướng "vô thần". Tuy nhiên trong văn phong của ông cũng có đôi chút mỉa mai (với quan điểm của mình thì điều đó chấp nhận được).

Không khó để bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy rằng tôn giáo đa số chậm thích nghi với các chuẩn mực và thay đổi tri thức mới của xã hội (chẳng hạn như Công giáo vẫn ngăn cấm xài các biện pháp ngừa thai nhân tạo). Điều này thực tế là một tình thế lưỡng nan của tôn giáo: chấp nhận thay đổi nghĩa là phủ nhận những gì họ đã giảng dạy là sai lầm.

Không bàn về nội dung cuốn sách, mình mạn phép đưa ý kiến về vài quan điểm về tôn giáo như sau vốn khiến mình trăn trở sau:

Những bài giảng đạo đức: Mình khá thích ý tưởng của chủ nghĩa nhà nhân đạo thế tục, với mục đích chính là tìm ý nghĩa và vẻ đẹp trong chính cuộc đời này hơn là ở một thế giới mơ hồ nào đó sau khi chết. Mình cũng từ lâu chán ngán với các lời dạy con người về việc sống tốt với một lý do rất đáng thắc mắc: chúng ta cần giúp đỡ, bố thí, yêu thương mọi người chỉ vì ... Chúa dạy thế, vì để được lên Thiên đàng.

Những lời dạy này với mình rất thiếu sự tư duy, chiêm nghiệm và tính thuyết phục. Một lối tư duy lối mòn nghèo nàn nên được cải thiện (chứ không cần bác bỏ). Chúng ta nên tìm thêm những lý do thực tế, trực quan và sâu sắc hơn. Con người giúp đỡ nhau, trước hết vì lương tâm, vì sự đồng cảm, và xa hơn chính là vì xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn trên chính cuộc đời hiện tại của mình.

Tình yêu đồng giới: Theo niềm tin tôn giáo, kết hôn đồng giới là vi phạm điều luật trong sách thánh. Điều này gây ra nhiều sự ngăn cấm và thậm chí bi kịch cho những người thuộc giới tính thứ 3. Nhiều người ngoài đức tin vào tôn giáo, cũng coi đó là hiển nhiên vì cho rằng theo tự nhiên, con người vốn chỉ có hai giới tính nam và nữ. Tuy nhiên bản chất của tự nhiên vốn không hoàn hảo, nếu không đã không có tiến hóa. Vì vậy việc có những giới tính khác vốn chính là tự nhiên.

Và theo quan điểm của John Stuart Mill, một triết gia lớn thế kỷ 19, trong cuốn Bàn về tự do: xã hội cần và nên tôn trọng hành động, suy nghĩ của những người khác mình, chừng nào điều đó không gây hại cho họ hay người khác. Chừng nào việc kết hôn đồng tính không gây hại và tạo được hạnh phúc cho con người, không có lý do chính đáng gì để cấm đoán nó.

Ly hôn: Trước đây khi còn thiếu niên, mình từng nghe 1 thầy sứ giảng (trong một buổi giao lưu học hỏi rất đông) về hôn nhân và tại sao không chấp nhận việc ly hôn. Thầy lấy ví dụ xem xét về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: Tại sao dù con cái có hư hỏng thế nào, cha mẹ vẫn thương yêu và không bao giờ muốn từ bỏ con? Cuộc sống hôn nhân cũng thế, nếu chúng ta biết thương yêu hi sinh cho nhau, thì mọi chuyện đều có thể giải quyết.

Thời đó mình cảm thấy khá tâm đắc với lời giải thích này và cảm thấy đó là lời giải thích hợp lý cho vài thắc mắc của mình bấy lâu nay. Nhưng khi có thêm kinh nghiệm và kiến thức, mình nhận ra đó chỉ là một lối ngụy biện so sánh ẩu (faulty analogy). Đây là sự so sánh hai điều chỉ giống như ở một khía cạnh nhỏ chứ không thật sự tương đồng để có thể mang ra so sánh. Bản chất tình cảm của cha mẹ dành cho con cái vốn không dựa trên những cảm xúc nhất thời như tình cảm giữa các cặp nam nữ - hay tình yêu. Tình cảm của nam nữ bắt nguồn từ những phản ứng của hormone bên trong cơ thể và không thể kéo dài lâu. Còn tình cảm của cha mẹ vốn nằm sẵn trong bản năng, được lập trình bởi gen qua hàng triệu năm tiến hóa và chọn lọc (tham khảo Gen vị kỷ). Một điểm khác biệt nữa mà mình thấy cũng khá quan trọng là: mối quan hệ nam - nữ là kiểu bình đẳng, ngang hàng; còn cha mẹ - con cái là kiểu phụ thuộc một chiều; con cái được nuôi dưỡng và nhân cách được hình thành cũng từ chính cha mẹ mà ra. 

Và muốn một tình cảm ngang hàng được bền chặt thì không thể chỉ dựa vào một phía. Cho dù một bên có bao nhiêu cố gắng, hi sinh đi chăng nữa, nhưng bên kia không có một sự đáp lại tương xứng, thì mối quan hệ thường sẽ gây ra hệ quả tệ hơn nhiều so với việc đường ai nấy đi.

Con người không ai có thể tránh được những sai lầm, đặc biệt là những quyết định trong thời tuổi trẻ, khi những hormone chính là thứ làm chủ chúng ta. Vậy trong những trường hợp được suy xét cẩn trọng, đừng dùng luật lệ tôn giáo để khiến những cặp đôi phải cam chịu đau khổ với nhau suốt đời chỉ vì một vài chọn lựa bồng bột thời non trẻ.

Quan hệ trước hôn nhân: Mình không phủ nhận việc hạn chế quan hệ trước hôn nhân hẳn có những lợi ích của nó. Tuy nhiên con người vốn hành động dựa theo cảm xúc hơn là lý trí. Hơn nữa bản năng sinh học của con người vốn rất mạnh mẽ, đặc biệt khó kiểm soát ở độ tuổi mới lớn. Vì vậy việc quan hệ trước hôn nhân (tất nhiên khi đã ở trong tuổi trưởng thành) là một điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Theo một thống kê được đề cập trong cuốn sách Siêu kinh tế học hài hước thì:
"Quan hệ tình dục trước hôn nhân là một phương án thay thế hợp lý cho hoạt động mại dâm. Và bởi nhu cầu mua dâm giảm xuống, nên thù lao cho phụ nữ làm nghề mại dâm cũng vì thế mà giảm xuống theo."

Cứ cho rằng (giả sử) cả 2 đều xấu (việc quan hệ trước hôn nhân và mại dâm), thì việc lựa chọn cái đầu tiên để giảm bớt cái thứ hai là một lựa chọn hợp lý.

No comments:

Theme images by merrymoonmary. Powered by Blogger.