[Book] Nào tối nay ăn gì? Thế lưỡng nan của loài ăn tạp
Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: "Khi ta có thể ăn gần như mọi thứ tự nhiên cung cấp thì việc quyết định xem ta nên ăn gì chắc chắn sẽ gây lo lắng, đặc biệt khi một số loại thực phẩm tiềm năng được cung cấp rất có thể sẽ làm ta mắc bệnh hoặc mất mạng".
Phần 1: CHUỖI THỨC ĂN CÔNG NGHIỆP
Ngô là cây lương thực chủ yếu ở Mỹ. Nó được nhà nước trợ giá để biến thành một thứ thực phẩm rẻ mạt dành cho người và cả gia súc, điển hình là bò. Nông dân vì để cạnh tranh với giá ngô ngày càng giảm lại càng tăng cường sản xuất. Họ sử dụng một lượng phân bón hóa học khổng lồ với phương châm "thừa còn hơn thiếu". Rồi lượng phân bón thừa (chủ yếu là phân đạm - Nitơ) "bay hơi vào không khí, nơi nó axít hóa nước mưa và góp phần gây nên tình trạng nóng lên của toàn cầu (amoni nitrat được chuyển hóa thành ôxit ni tơ, một khí nhà kính quan trọng). Một số thấm xuống mạch nước ngầm".
Đi tiếp chuỗi thức ăn để đến các trang trại bò. Vì ngô không phải là thức ăn phù hợp nên nó gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho bò. Cùng với nhu cầu tăng năng suất bất chấp tất cả, con người đã can thiệp vào "thô bạo" vào quá trình chăn nuôi bằng cách dùng kháng sinh, hóc môn. Con người phớt lờ đi mọi thứ để tìm cho mình một lợi ích cao nhất: "con đường dẫn tới địa ngục của những chú lợn thiến lại được lát phẳng phiu bằng thứ logic về hiệu quả công nghiệp."
Nằm ở đỉnh của chuỗi thức ăn, con người cuối cùng cũng là đối tượng lãnh những hậu quả về sức khỏe do chính mình gây ra.
Phần 2: CHUỖI THỨC ĂN CHĂN THẢ
Tác giả tỏ ra không lạc quan lắm về những thực phẩm gắn mác hữu cơ (organic). Những sinh vật "organic" vẫn phải chịu những sức ép khổng lồ về năng suất từ những nhà sản xuất. Những động vật được chăn thả cho có hình thức và vẫn phải dùng một chi phí và năng lượng rất lớn cho việc vận chuyển chúng đi khắp nơi.
Tác giả dường như tìm thấy một hình mẫu lý tưởng khi tham quan trang trại Polyface, nơi cung cấp thực phẩm cho địa phương. Nơi đây giống như một hệ sinh thái thu nhỏ hoàn chỉnh, được vẽ nên bởi những bàn tay nghệ thuật của những người nông dân biết quan tâm đến tự nhiên và sự sống. Họ "làm theo mô hình hệ sinh thái tự nhiên với toàn bộ tính đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau của nó, nơi tất cả các loài thể hiện đầy đủ nhất đặc điểm riêng về sinh lý".
Thay vì xem loài gà chỉ như một cỗ máy sản xuất trứng hay protein thuần túy, Polyface trân trọng - và tận dụng - “những ham muốn đặc trưng bẩm sinh của một con gà”, bao gồm bới tìm thức ăn trong cỏ và dọn dẹp phía sau động vật ăn cỏ. Loài gà phải làm và ăn những gì phù hợp với sự tiến hóa của chúng, và trong quá trình đó cả người nông dân và đàn bò đều được hưởng lợi.
Khi người chăn nuôi gia súc sẵn sàng “thực hành sự phức tạp” - tổ chức mỗi quan hệ cộng sinh của vài loài động vật khác nhau, mỗi loài được phép hành xử và ăn uống phù hợp với tiến hóa của chúng - người đó sẽ thấy rằng mình hầu như chằng cần dùng tới máy móc, phân bón, và, đáng chú ý nhất là hòa chất. Người nông dân ấy chẳng hề lo lắng về vấn đề vệ sinh hay bất kỳ loại bệnh tật nào phát sinh do chỉ nuôi một loài vật nuôi theo hình thức độc canh số lượng lớn và cho nó ăn những thứ không phù hợp với nhu cầu tự nhiên của chúng. Có lẽ hiệu quả lớn lao nhất của một trang trại được đối xử như một hệ thống sinh học là: sức khỏe.
“Một trong những tài sản lớn nhất của một trang trại là trạng thái mê ly của sự sống.”
Temple Grandin, chuyên gia về xử lý động vật, người đã giúp thiết kế nhiều loại lò mổ, đã viết rằng những công nhân làm việc toàn thời gian ở lò giết mổ thường dễ trở nên tàn ác.
Giống như không khí trong lành và ánh nắng, Joel tin rằng sự minh bạch là chất tẩy uế mạnh hơn bất kỳ quy định hay công nghệ nào. Đây là một ý tưởng rất hấp dẫn. Hãy hình dung nếu các bức tường của mỗi lò giết mổ và nhà máy chế biến đều trong suốt như ở Polyface - nếu không hoàn toàn để trống thì ít nhất cũng làm bằng kính. Rất nhiều điều diễn ra phía sau những bức tường đó - sự tàn nhẫn, cầu thả, bẩn thỉu - cần phải ngừng lại.
Phần 3: CHUỖI CÁ NHÂN
Phần này có nhắc đến trào lưu ăn chay để giảm bớt sự giết hại động vật. Tác giả cho rằng việc ăn chay mặc dù có mục đích tốt nhưng cũng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới tự nhiên và môi trường. Về bản chất con người là động vật ăn tạp, nên quan trọng là làm sao chúng ta đối xử với động vật nhân đạo và hạn chế sự đau khổ của chúng.
Cá nhân mình cũng có ý nghĩ hướng về việc giảm bớt ăn thịt để hạn chế việc giết hại động vật. Cứ nhìn những video câu view của những người bày một núi thức ăn động vật trước mặt và ngấu nghiến là mình lại cảm thấy kinh tởm vì sự dã man và đói khát của con người. Tuy nhiên mình cũng không thích những người ăn chay mà thực hành một cách thái quá. Nhớ vài năm trước đi du lịch cùng công ty, khi nhà hàng đã bày hết bàn ăn ra rồi thì có một người nói rằng mình ăn chay. Thế rồi nhà hàng lại phải chuẩn bị riêng một phần ăn với cả chục bát đĩa món chay, nhồi nhét thêm vào cái bàn vốn đã đầy thức ăn. Mình thấy được sự đồng cảm với câu nói của tác giả: "Về vấn đề này, tôi có xu hướng đồng tình với người Pháp khi họ coi bất kỳ sự hạn chế nào trong thực đơn của cá nhân là hành vi xấu".
“Nếu không có đạo đức” để kiểm soát sự thèm ăn, Aristotle viết, thì con người “sẽ là loài động vật xấu xa, man rợ và tồi tệ nhất trong vấn đề tình dục và ăn uống.”
Những người quan tâm đến động vật nên làm sao để đảm bảo những con vật mà họ ăn không phải chịu đau khổ, và cái chết của chúng diễn ra nhanh chóng và không đau đớn - nói các khác vì lợi ích của động vật, thay vì quyền động vật.
Khi chúng ta ăn các loài vật, chúng ta sẽ ăn một cách có ý thức, có nghi lễ, và với sự tôn trọng mà chúng xứng đáng được hưởng.
No comments: