[Book] Bàn về văn minh



 Văn minh của Fukuzawa Yukichi có thể được gói gọn trong hai yếu tố: trí tuệ (bao gồm tri thức) và đạo đức. Đáng tiếc đạo đức dường như không được ông đề cao lắm. Ông cũng là người có tư tưởng quân phiệt khi đề xuất xâm chiếm các nước châu Á khác nhằm tăng cường sức mạnh cho Nhật Bản. Nhưng dù sao đây cũng là chuyện ngoài lề và không nên ảnh hưởng tới đánh giá về tác phẩm.


Nhìn chung tác giả có tư tưởng sâu sắc và tiến bộ, nhưng cách viết khá dài dòng với nhiều dẫn chứng, có lẽ để phù hợp với trình độ của đại đa số dân chúng ngày đó. Ngoài ra nội dung trong sách có rất nhiều chi tiết về lịch sử và xã hội Nhật Bản, những điều khá xa lạ với chúng ta.


(Hình tác giả Fukuzawa Yukichi được in trên tờ 10000 yên như một biểu trưng lòng biết ơn người dân Nhật dành cho ông)

Dưới đây là một vài nội dung trong sách đi kèm với một chút ý kiến của mình:

Có cùng và khởi điểm với các nước châu Á và cùng mối nguy xâm lược từ phương Tây, nhưng Nhật Bản có một cách nhìn khác, coi đó là cơ hội để phát triển đất nước. Ông coi nhưng tư tưởng bài ngoại mạnh mẽ chỉ là thể hiện của một tinh thần yêu nước "non nớt" và "thô ráp".

Ngay từ chương đầu tiên, ông cũng đã xác định: "chính những cực đoan dị biệt mới làm xã hội tiến bộ". Ông cho tự do của một dân tộc trước hết phải được xây dựng dựa trên quyền tự do cá nhân. Mỗi cá nhân đều có một tư tưởng tự do, biết bảo vệ lợi ích cho chính mình thì mới tạo ra sức mạnh của dân tộc, đất nước. Tư tưởng của tác giả rất tiến bộ và có lẽ đã giúp người dân Nhật thay đổi rất nhiều. Thực tế trong hiện tại, tư duy của người dân Nhật vẫn khá bảo thủ và có chút lệch lạc, nhưng dù sao điều này cũng có mặt tích cực của nó.

Tác giả dẫn chứng về thời kì nhà Chu bắt đầu tiêu vong và bị chia cắt thành nhiều nước nhỏ (Xuân Thu 770-403 TCN và Chiến Quốc 403-221 TCN), chính là lúc mà các học thuyết nở rộ nhất trong lịch sử 3000 năm của Trung Hoa (Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử,...). Điều này cho thấy chính đường lối cai trị của chính quyền là thứ kìm cặp khiến văn minh khó bề phát triển.

Ở Nhật Bản có một thời kỳ kéo dài tầm 700 dưới sự cai trị của hai chính quyền song song là Thiên Hoàng và Mạc Chủ (Shogun) từ năm 1192 đến 1867. Tác giả cho rằng đây là điều may mắn với nước Nhật giúp người dân có thêm "không gian cho sự hoạt động của tư tưởng, cho sự vận hành của đạo lý".

Tác giả đưa ra nhiều phân tích và dẫn chứng cho thấy sự hạn chế của việc chỉ tập trung vào đạo đức và tôn giáo. Các nhà tu hành, hay nhà Nho cả đời chỉ nghiền ngẫm vài quyển sách truyền lại hàng thế kỷ mà không quan tâm gì đến những tri thức nhân loại đang đạt được từng ngày. Ông cho rằng những quy phạm đạo đức đã cố định, không thể tiến bộ; nhưng trí tuệ và kiến thức thì khác, chúng có thể phát triển vô hạn.

Sự xuất hiện của đạo Tin Lành (vào thế kỷ 16 bởi Martin Luther) là một cột mốc cho sự tự do và văn minh tiến bộ của con người. Giáo hội La Mã ngày xưa có sức mạnh và tầm ảnh hưởng rất lớn. Quyền lực và sự bảo thủ khiến họ đưa rất nhiều quyết định sai trái, gây ra những cuộc chiến và thanh trừng đẫm máu.

Một dấu hiệu tiến bộ của văn minh chính là nhìn thấy những điều sai lầm và lạc hậu của thời trước, nhờ liên tục đặt ra câu hỏi và tranh luận. Có thể nói tư duy của các thánh nhân Nho giáo khá cổ hủ và sai lạc.
"Những người sinh sau rất đáng sợ, nhưng biết đâu tương lai của họ không bằng hiện nay." (Khổng Tử, trong Luận Ngữ)

Mặc dù Nho giáo cũng có những mặt tích cực của nó, nhưng các Nho sinh chỉ cố gắng để học cho bằng được bậc thánh nhân ngày xưa (mà thực ra họ nghĩ không ai có thể đạt được tới trình độ đó). Họ không thèm học hỏi, tìm tòi để đưa ra những học thuyết mới nhằm vượt qua đời trước. Cho nên Nho giáo chỉ là con đường khiến trí tuệ và tri thức của con người ngày càng tụt hậu.

No comments:

Theme images by merrymoonmary. Powered by Blogger.